Sổ hồng là giấy chứng nhận quyền sở hữu đất do Bộ xây dựng ban hành ghi rõ sở hữu nhà ở, sử dụng đất theo quyền riêng hay chung, được cấp cho nhà ở riêng đất hoặc nhà chung đất như chung cư. Sổ hồng có tên gọi đầy đủ là giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở bao gồm 4 trang, được in trên hoa văn trống đồng màu hồng và một trang bổ sung màu trắng. Mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, các nội dung sẽ theo quy định như sau:
Trang 1 sẽ gồm các thông tin của người sử dụng đất, sẽ bao gồm cá nhân, tổ chức trong nước, hộ gia đình. Sau đây là quy định về cách điền thông tin của người sử dụng đất:
Nội dung trang 1 trên sổ hồng
Đối với cá nhân: Cá nhân thì sẽ ghi Ông(bà), tiếp đến là họ tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ thường trú. Giấy tờ tùy thân sẽ bao gồm Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng minh quân đội nhân dân, Căn cước công dân, hoặc Giấy khai sinh.
Đối với tổ chức trong nước: Khi cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức, tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức.
Đối với hộ gia đình: Sẽ được ghi là hộ Ông(hộ Bà) sau đó ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trong trường hợp chủ hộ không có quyền sử dụng đất chung thì ghi tên người đại diện là thành viên trong gia đình.
Tại trang này sẽ ghi những thông tin liên quan đến thửa đất, nhà ở và các tài sản gắn liền với đất. Mọi người nên tìm hiểu kỹ những thông tin để có thể sử dụng đất đúng với mục đích và đúng quy định của pháp luật. Dưới đây là thông tin cơ bản trong trang này:
Nội dung trong trang thứ 2 của sổ hồng
Thửa đất số: Số hiệu của đất trên bản đồ địa chính theo quy định thành lập bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tờ bản đồ: Ghi số thứ tự tờ bản đồ địa chính có thửa đất cấp Giấy chứng nhận trong phạm vi của mỗi đơn vị hành chính. Trường hợp sử dụng bản trích đo để cấp Giấy chứng nhận thì sẽ ghi số hiệu tờ trích đo.
Địa chỉ: Ghi số nhà, tên đường, đơn vị hành chính cấp xã, phường, quận huyện, thành phố, tỉnh.
Diện tích: Ghi rõ diện tích bằng chữ và số, tính theo đơn vị m2, được làm tròn đến một số thập phân.
Hình thức sử dụng: Sử dụng chung và sử dụng riêng.
Mục đích sử dụng: Được thống nhất với sổ địa chính theo các tên gọi cụ thể cho các loại đất. Có 2 nhóm đất là: Nhóm đất nông nghiệp(đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng rừng sản xuất) và đất phi nông nghiệp(đất ở tại nông thôn, đất ở đô thị, đất thương mại, dịch vụ)
Thông tin về nhà ở: loại nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự, căn hộ chung cư, diện tích sàn, diện tích xây dựng, thời gian sử dụng.
Thông tin cơ bản trên sổ hồng ở trang thứ 3 là sơ đồ thửa đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất, những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận được thể hiện như sau:
Nội dung trang 3 trên sổ hồng
Sơ đồ thửa đất: bao gồm hình thửa đất, chiều dài các cạnh, số thửa đất, tên công trình, phương hướng, chỉ giới, mốc giới quy hoạch.
Thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận: Sẽ ghi những thông tin về sự thay đổi khi cấp lần đầu tiên như cho, tặng, thừa kế, sang tên, chuyển quyền sử dụng đất và nhà ở. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách hợp thửa, thay đổi diện tích, đăng ký hoặc xóa thế chấp ngân hàng,...
Trang cuối cùng của sổ hồng sẽ bao gồm những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như trang 3, lưu ý với những người được cấp giấy chứng nhận, mã vạch.
Trang thứ 4 trên sổ hồng
Mã vạch được in ở góc cuối bên phải của trang, nội dung của mã vạch là dãy số nguyên dương, có cấu trúc MV= MX.MN.ST, trong đó:
MX là mã đơn vị hành chính cấp xã(phường) nơi có thửa đất.
MN là mã năm cấp Giấy chứng nhận, bao gồm hai chữ số cuối của năm.
ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu.
Sổ hồng là giấy tờ pháp lý quan trọng, bạn nên kiểm tra thật kỹ những thông tin trên trước khi tiến hành bất kỳ một giao dịch nào. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về những khía cạnh có liên quan đến sổ hồng.