Quy hoạch phát triển huyện Thọ Xuân thành thị xã năm 2030

26/10/2021 ,17:37
Thọ Xuân là vùng đất có điều kiện vị trí thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế. Năm ở vị trí giao thoa về kinh tế- xã hội- văn hoá giữa các vùng miền trong tỉnh. Nơi đây đã quy hoạch phân khu nông nghiệp công nghệ cao, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư đã bắt đầu khởi động cho thấy nền kinh tế nơi đây đang trên đà phát triển bứt phá.

Bên cạnh đó hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, vị trí đắc địa sẽ là đòn bẩy cho vùng đất Thọ Xuân phát huy được lợi thế, khơi dậy các dư địa phát triển để cất cánh.Từ Thọ Xuân, cũng có thể đi Nghệ An, hay đi qua đất bạn Lào theo tuyến đường đi Thường Xuân - Bát Mọt, đi Hòa Bình theo con đường Ngọc Lặc - Cẩm Thủy và đến tỉnh Ninh Bình theo con đường Yên Định - Vĩnh Lộc đi Phố Cát (Thạch Thành).

Hơn thế nữa Thọ Xuân có thể kết nối, giao lưu với các vùng miền, thành phố, khu kinh tế trong tỉnh và cách Cảng nước sâu Nghi Sơn khoảng 60 km, cách Cảng Lễ Môn theo đường thủy sông Chu - sông Mã khoảng 50km, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 47, 47B, 47C, đường Hồ Chí Minh chạy qua, đặc biệt là Cảng hàng không Thọ Xuân đã nằm trong 14 sân bay quốc tế của Việt Nam.

Quy hoạch huyện Thọ Xuân đến năm 2030

Huyện Thọ Xuân được định hướng trở thành thị xã vào năm 2030

Thọ Xuân ở vào địa thế đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh, đó là đồng bằng sông Chu, với cánh đồng Ba Chạ của "mười hai xứ Láng" và cánh đồng của "mười tám xứ Neo" rộng dài đất đai phì nhiêu, mạng lưới sông ngòi phân bố hợp lý làm nên cánh đồng lúa bất tận, bội thu mà các huyện đồng bằng khác ở trong tỉnh cũng ít nơi so được. Chính vì thế Thọ Xuân thích hợp cho trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Nơi đây đã hình thành nên vùng công nghiệp sản xuất mía đường và cây công nghiệp lâu năm rất hiệu quả làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống của nhân dân nơi đây. Hơn nữa, quỹ đất khu vực phía Tây dọc Đường Hồ Chí Minh và gần Cảng hàng không Thọ Xuân, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các khu công nghiệp quy mô lớn và hiện đại.

Vùng Lam Sơn – Sao Vàng của huyện Thọ Xuân lại được quy hoạch theo hướng công nghệ cao. Với nhiều cơ chế ưu đãi, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, khuyến khích đầu tư của tỉnh, lại có Cảng Hàng không Thọ Xuân, được kết nối với KKT Nghi Sơn bằng đường bộ nên vùng Lam Sơn – Sao Vàng sẽ làm cho Thọ Xuân có sự bứt phá cao trong tốc độ phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới. Nơi đây được các nhà đầu tư đánh giá là khu công nghiệp được quy hoạch khoa học, với các phân khu được bố trí hợp lý, điều này giúp cho nhà đầu tư trong quá trình xây dựng cũng như khi đi vào hoạt động một cách thuận lợi hơn.

Trong giai đoạn 2015-2020 Thọ Xuân là địa phương có tốc độ nổi bật là giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 15,8%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Huyện Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đồng thời, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng tả ngạn sông Chu tạo sự phát triển khá toàn diện cho vùng tả ngạn với tổng giá trị sản xuất toàn vùng năm 2020 ước đạt 5.490 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2016; thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đến năm 2020 ước đạt 43,2 triệu đồng, gấp 1,4 lần năm 2016. Áp dụng tốt được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và phát huy nội lực nơi đây, sẽ phát triển các mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao với các sản phẩm thế mạnh là cây công nghiệp, chăn nuôi, phát triển du lịch.

Phân vùng đông hữu ngạn Sông Chu được định hình gồm thị trấn Thọ Xuân và các khu vực phát triển đô thị Neo, Tứ Trụ trở thành vùng chủ chốt với các ngành nghề dịch vụ - thương mại, công nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Tại khu vực đông hữu ngạn và vùng tả ngạn sông Chu, sẽ phát triển 7 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với các ngành công nghiệp thế mạnh là sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng, chế biến nông – lâm – thủy sản, công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất tại khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng. Trong đó, các cụm công nghiệp (CCN) đã nằm trong quy hoạch đến năm 2030 của tỉnh gồm: CCN Thị trấn Thọ Xuân (25,4 ha); CCN Xuân Lai (16,8 ha); CCN Thọ Nguyên (20 ha), CCN Thọ Minh (18 ha);

Tại phân vùng Lam Sơn – Sao Vàng có hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của toàn tỉnh cũng như huyện Thọ Xuân. Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng phát triển mạnh mẽ với các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm công nghệ cao; bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay; sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử; sản xuất đồ gia dụng, phụ tùng ô tô và phương tiện vận tải, cơ khí chính xác, làm hạt nhân hình thành Khu công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa gồm khu công nghiệp, khu R&D, khu đào tạo các khu đô thị phục vụ.

Hiện tại, hạ tầng khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hứa hẹn nơi đây sẽ là một trong những địa phương phát triển năng động bậc nhất cả nước. Trong đó, có các tuyến giao thông nội khu đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng.

Nơi đây có sức hút vô cùng lớn tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều nhà đầu tư đến từ các nước Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... đã ghé thăm Khu Công nghiệp này để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Đại diện Phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Ngoài các CCN đã được quy hoạch tại quyết định 2888/QĐ-UBND ngày 09-8-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân đang xem xét, đề xuất tỉnh quy hoạch bổ sung CCN Neo (20 ha) tại khu vực địa bàn các xã: Bắc Lương, Nam Giang, Xuân Giang…; CCN Tứ Trụ (20 ha) khu vực các xã Thọ Diên, Thọ Hải, Xuân Hòa…

Ngày 24-3-2020, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định 1012/QĐ-UBND thành lập CCN Xuân Lai với diện tích lên đến 19 ha và tổng mức đầu tư  là 119 tỷ đồng. Các ngành nghề được định hướng thu hút đầu tư tại CCN này gồm có: May mặc, da giày, điện tử, điện lạnh, viễn thông, chế biến thực phẩm, lâm sản, sản xuất nhựa... và các loại linh kiện, phụ kiện kim loại khác. Tại CCN Xuân Lai, hiện đã có Công ty May Cẩm Hoàng thuê 4 ha đất đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp, giải quyết việc làm cho 400 lao động. Ông Đặng Văn Dũng, Chánh Văn phòng Công ty CP Đầu tư Hồ Gươm (TP Hà Nội – công ty mẹ của Công ty May Cẩm Hoàng), cho biết: Giai đoạn 2 của nhà máy sẽ được đơn vị tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Cụm công nghiệp Xuân Lai, Thọ Xuân

Cụm công nghiệp Xuân Lai đã có nhà máy hoạt động

Hiện nay, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Xuân Lai - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuân Lai đã thực hiện những thủ tục lập phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất và công tác chuẩn bị đầu tư khác. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong quý 3-2021 và hoàn thành nghiệm thu đi vào hoạt động từ quý 1-2023.

Huyện Thọ Xuân đang tiếp tục xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, phấn đấu đạt tiêu chí thị xã vào năm 2030, với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 là 75%, đến năm 2040 là 80%. Thọ Xuân cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn góp phần tạo nên sự phát triển chung cho cả tỉnh Thanh Hoá.