Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 cho thấy bất động sản cho thuê đang ghi nhận rất nhiều tín hiệu tích cực. Tiêu biểu, tại Hà Nội mức độ quan tâm đến tìm thuê nhà ở tăng 58%, Ở TP Hồ Chí Minh tăng đến 70% so với cùng kỳ 2021.
Loại hình bất động sản cho thuê dẫn đầu cả hai thị trường lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về mức độ quan tâm là căn hộ/chung cư. Trong đó, tại Hà Nội nhu cầu tìm thuê chung cư trong quý III/2022 tăng 13% so với quý trước. Tại TP Hồ Chí Minh tăng tận 24% so với quý trước.
Đáng chú ý, lợi suất cho thuê nhà phố ở hai thành phố lớn nhất cả nước trong năm 2021 sụt giảm mạnh thì nay đã phục hồi nhanh chóng, gần bằng mức năm 2019 khi chưa có đại dịch. Cụ thể, lợi suất cho thuê ở Hà Nội năm 2019 đạt 3,2%/năm, 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng trở lại, bình quân đạt 3%/năm. Ở TP Hồ Chí Minh, lợi suất cho thuê nhà phố giảm xuống mức 2,7% năm 2021. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm đã phục hồi và đạt mức 2,9%.
Sau đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản cho thuê dần khởi sắc
Theo khảo sát, khi các hàng rào phong tỏa bị phá bỏ, nhu cầu tìm kiếm căn hộ, phòng trọ cho thuê đã tăng trở lại, thậm chí đạt mức rất cao. Tiêu biểu như tại TP Hồ Chính Minh, 99% tin đăng cho thuê phòng/căn hộ đều có khách liên hệ, trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 86% vào năm 2020.
Theo kết quả thăm dò của VARS cũng chỉ ra, trên 70% hợp đồng cho thuê căn hộ hết hạn được ký hợp đồng cho thuê mới với mức giá tăng trung bình từ 10 đến 20%. Lý do là vì nhu cầu thuê nhà của khách hàng gia tăng, người lao động, sinh viên quay trở lại thành phố để làm việc, học tập. Nhu cầu tăng, lợi suất cao mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nhà đầu tư vào loại hình bất động sản cho thuê.
Tại các khu công nghiệp, nhu cầu thuê tăng cao sau đại dịch Covid-19 do người lao động quay trở lại làm việc. Giá thuê giao động ở mức 2 đến 6 triệu đồng/phòng. Nhà đầu tư dần chuyển sang phân khúc bất động sản cho thuê thay vì đầu tư vào đất nền như trước đây.
Nhu cầu tăng cao, cung không đủ cầu khiến giá thuê trung bình của các loại hình tăng từ 10 đến 30% so với cuối năm 2021. Đa số, các hợp đồng thuê ký mới đều đã điều chỉnh tăng giá, các ưu đãi áp dụng trong đợt dịch cũng đã cắt giảm. Phân khúc nhà trọ bình dân cũng tăng từ 5 đến 15%.
Thị trường khởi sắc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nhưng lại là gánh nặng kinh tế đối với người đi thuê. Nhiều người thuê trọ cảm thấy khó khăn khi tìm cho mình một căn hộ ưng ý, phù hợp với khả năng tài chính.
Thị trường khởi sắc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nhưng lại là gánh nặng kinh tế đối với người đi thuê
Theo khảo sát của nhiều văn phòng môi giới, với ngân sách khoảng 4 triệu đồng/tháng thì người thuê khó tìm được căn hộ mini ở trung tâm. Với những căn hộ diện tích lớn hoặc nhà riêng thì ngân sách bình quân từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Tại các khu nhà trọ bình quân cho công nhân, sinh viên ngoại tỉnh thuê, mức giá cũng tăng bình quân từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2021.
Theo dự báo, trong tương lai gần khả năng mua nhà riêng giảm mạnh do áp lực về lãi suất ngân hàng nên nhu cầu thuê nhà vẫn tăng cao. Và đương nhiên, cầu tăng ắt giá sẽ tăng. Để giải tỏa cơn khát thuê nhà, cần có các chính sách thiết thực để tăng nguồn cung, có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, trên thực tế gói hỗ trợ hiện nay có quá nhiều tiêu chí khiến các chủ nhà trọ không thể đáp ứng. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng phòng trọ cho người lao động, bên cạnh gói hỗ trợ cần xem xét lại hệ thống tiêu chí đi kèm. Cùng với đấy là biện pháp để đơn giản hóa các thủ tục vay để doanh nghiệp xây dựng nhà ở, phòng trọ dễ tiếp cận với nguồn vốn.
Bất động sản cho thuê đang là kênh đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, để an sinh xã hội thì Chính phủ cần có biện pháp cân bằng giữa cung và cầu, mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho các bên.