Nhà giá rẻ sẽ "giải cứu" thị trường bất động sản

18/03/2023 ,09:38
Trải qua các chu kỳ khủng hoảng, loại hình nhà ở giá rẻ được xem là phân khúc có tính thanh khoản cao, mang đến cho thị trường những tín hiệu tích cực. Giới chuyên gia kỳ vọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu thực sẽ “giải cứu” thị trường bất động sản.

Nhà xã hội được ưu tiên hàng đầu 

Hội nghị thị trường bất động sản ngày 17/2 đã đưa ra dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, hướng tới việc cơ cấu lại sản phẩm nhà ở. Trong đó, nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thật sẽ được ưu tiên hàng đầu. 

Trong Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững mà Chính phủ mới ban hành đã đưa ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đây là phân khúc đang thiếu hụt lớn trên thị trường, do đó cần tăng nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở. 

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ toàn diện khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết riêng về thí điểm chính sách phát triển nhà ở xã hội

Nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thật sẽ được ưu tiên hàng đầu

Nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thật sẽ được ưu tiên hàng đầu

Theo đó, trong nghị quyết này sẽ đưa ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất, giao đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ưu tiên các chủ đầu tư làm dự án nhà ở xã hội. Chính sách riêng cũng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về việc xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Cùng với đấy là việc xác định đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội. 

Để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng trị giá khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Trong đó, sẽ có bốn ngân hàng thương mại nhà nước làm chủ lực là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV. 

Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 đến 2% so với lãi suất vay trung và dài hạn tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước. 

Tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản 

Các giải pháp ưu tiên khơi thông dòng vốn, thúc đẩy phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thật được giới chuyên gia đánh giá sẽ là giải pháp để vực lại thị trường bất động sản. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu cho biết gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội là một tín hiệu tích cực. Nếu được triển khai nhanh chóng, hiệu quả sẽ góp phần rút ngắn sự chênh lệch giữa cung và cầu, giúp thị trường dần ổn định.  

Theo ông Châu, việc xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều gặp khó khăn khiến nguồn cung khan hiến. Cơ cấu sản phẩm nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập người dân còn thiếu, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng hạn hẹp, đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp và trung bình thiếu trầm trọng. Trên thực tế, giá nhà ở đang cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. 

Việc xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều gặp khó khăn khiến nguồn cung khan hiến

Việc xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều gặp khó khăn khiến nguồn cung khan hiến

Mới đây, hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như: Vingroup, SunGroup, Hưng Thịnh, Himlam hay trước đó là Nam Long Group, Hoàng Quân, Becamex…cũng đã vào cuộc làm nhà ở xã hội. 

Vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển,  Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” đã có buổi làm việc với  HoREA và đại diện lãnh đạo của 19 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản. 

Trong đó, có 15 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với mức giá phù hợp với túi tiền người dân trong 15 năm qua. Đồng thời, có thêm 4 tập đoàn, doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ 2021 - 2020. 

Việc các quan quản lý cùng phía doanh nghiệp tham gia tích cực và nghiêm túc vào việc làm nhà ở xã hội sẽ giúp tính bền vững ở phân khúc này được nâng cao. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy từ năm 2023 cho đến những năm tiếp theo phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ được kích hoạt mạnh mẽ. 

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất các doanh nghiệp bất động sản nên đặc biệt quan tâm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở trong quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm.